Saturday, December 21, 2024
spot_img
HomeCà phê tản mạnHai bát phở - Nguyễn Khắc Giang

Hai bát phở – Nguyễn Khắc Giang

Hàng ngày, tôi đi làm trên chiếc xe máy đời cũ của Yamaha. Mỗi tuần, tôi vào cây xăng hai lần, đổ tầm 4 lít. Với một phép tính đơn giản, nếu đề xuất tăng thuế kịch khung của Bộ Tài chính được thông qua, tôi sẽ mất thêm 16 nghìn đồng. Mỗi tháng tôi sẽ nộp 64 nghìn vào ngân sách.

Với tôi, đây là số tiền không quá lớn: nó chỉ tương đương với ba ly cà phê rẻ hay hai tô phở bò. Nhưng tôi thấy không hài lòng. Nộp thuế không làm tôi vui như khi uống cà phê hay ăn phở. Bãi rác gần nhà tôi hay bốc mùi. Con đường tôi đi làm mù mịt khói và bụi. Không khí, vào những ngày oi nồng, luôn có chỉ số ô nhiễm ở ngưỡng độc hại. Thi thoảng tôi lại thấy thông tin về những vụ vi phạm môi trường ở nơi này nơi khác không được xử lý. Đã phải nộp thuế môi trường gián tiếp qua giá xăng từ năm 2012 đến nay, bởi thế, tôi không đồng tình với đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính.

Độc giả hãy thử tưởng tượng về tổ dân phố nhà mình. Một ngày nọ, bảng thông báo của khu dân cư đăng tin đề xuất tăng phí môi trường với lời giải thích để “nâng cao ý thức và giúp không gian sống trong sạch hơn”. Thế nhưng bạn nhận ra quỹ dân phố đã cạn kiệt và tiền phí được gộp chung vào đó. Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy số thu thêm sẽ dùng để cải thiện môi trường xung quanh.

Tôi tin rằng nếu điều đó xảy ra, sẽ có nhiều người từ chối đóng góp khoản phí như vậy. Thậm chí sẽ có cãi nhau to như trường hợp ở tổ dân phố nhà tôi. Bởi đó là câu chuyện liên quan đến tính đại diện: người đóng góp cần được giải thích hợp lý về các khoản chi tiêu của ngân quỹ chung. Họ muốn được lên tiếng về những quyết định có thể thò tay vào túi tiền của mình. Tổ dân phố có thể không sai, nhưng khi không thuyết phục được cư dân thì không thể hành động một mình một ý.

Bây giờ, hãy thử coi quốc gia là một tổ dân phố mở rộng. Và phí dịch vụ tôi vừa nêu ra ở trên chính là thuế bảo vệ môi trường mà gần đây Bộ Tài chính đề xuất tăng kịch khung. Đi kèm với đó chỉ là lời hứa chung chung về cải thiện môi trường, không kèm bước đi cụ thể nào. Không khó hiểu khi phản ứng của người dân trong thời gian qua với sắc thuế này cũng tương tự như cư dân ở một tổ dân phố.

Như với mọi đề xuất tăng thuế khác, lần này Bộ Tài chính cũng không sai khi cho rằng thuế môi trường không có nghĩa vụ phải bảo vệ môi trường, bởi nguyên tắc “không bồi hoàn”: loại thuế này được hoà vào ngân sách chung và sử dụng với những mục tiêu khác nhau.

Bộ không sai về nguyên tắc, nhưng người dân phản ứng cũng có cái lý của mình. Đại diện của Bộ cho biết thâm hụt ngân sách khi nguồn thu từ thuế nhập khẩu giảm xuống là một trong những lý do chính cho đề xuất tăng kịch trần thuế môi trường. Nguồn thu từ loại thuế này hiện chiếm hơn 4% ngân sách quốc gia, và đã tăng mạnh từ 11.6 nghìn tỷ đồng lên đến hơn 44 nghìn tỷ mỗi năm chỉ trong 5 năm, 2012 đến 2017. Nếu đề xuất tăng kịch khung được chấp nhận, mỗi năm nhà nước sẽ có thêm hơn 17 nghìn tỷ đồng, giảm phần nào áp lực lên ngân sách.

Thực ra, cũng cần phải hiểu cho Bộ Tài chính. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm tìm kiếm nguồn thu cho ngân sách chứ không trực tiếp chi tiêu tiền thuế. Một khi ngân sách thâm hụt, đương nhiên Bộ Tài chính sẽ phải chịu trách nhiệm bổ sung. Những công chức và viên chức của Bộ Tài chính, như thế, cũng chẳng khác gì tôi khi không có “quyền đại diện” từ thuế.

Nhưng áp lực không tự sinh ra và mất đi. 95% con số dự tính trên được thu từ thuế xăng dầu, nhiên liệu đầu vào thiết yếu của các doanh nghiệp lớn cho đến hộ kinh doanh cá thể và cả những người lầm lũi chạy xe ôm hàng ngày. Ảnh hưởng sâu rộng của nó đến người dân là không thể bàn cãi. Trong tờ trình rất chi tiết gửi Chính phủ từ đầu năm, không có dấu hiệu nào cho thấy Bộ Tài chính đã đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc tăng thuế đến các thành phần kinh tế, trong khi đã vội vã đề xuất áp dụng ngay từ ngày 1/7 tới.

Cái lý của người dân còn xuất phát từ thực tế môi trường sống đang ngày càng tệ đi trông thấy. Hà Nội và TP HCM trở thành thủ phủ ô nhiễm không khí châu Á, trong khi những vấn nạn về xử lý rác, xả thải từ các doanh nghiệp… chưa được xử lý. Bản chất của thuế là giá của dịch vụ công mà người dân gián tiếp chi trả cho nhà nước. Thuyết phục người dân phải trả thuế môi trường kịch khung trong điều kiện như vậy là không hề dễ dàng.

Tất nhiên, thuế mang tính bắt buộc, và với những loại thuế đánh trực tiếp vào hàng hoá thiết yếu như xăng dầu, người dân sẽ không có cách nào lẩn tránh ngay cả khi việc “thuyết phục” không thành. Nhưng cần lưu ý rằng ngoài các tác động tiêu cực về kinh tế, tăng thuế khi chưa đạt được đồng thuận sẽ tạo ra nhiều rủi ro về mặt xã hội.

Trong lịch sử, phản đối thuế là nguyên nhân bất ổn chính của hệ thống chính trị nhà nước.

Hai kinh tế gia Acemoglu và Robinson, tác giả của cuốn “Vì sao các quốc gia thất bại”, phát hiện qua số liệu rằng mức độ thu thuế tỷ lệ thuận với trách nhiệm giải trình ở các nước.

“Trách nhiệm giải trình” là cụm từ có vẻ to tát, nhưng chỉ bao gồm quyền “đại diện” với tiền thuế: được công khai các khoản chi tiêu, thắc mắc và được giải đáp về những vấn đề quan tâm, và được tham gia giám sát hệ thống thuế trực tiếp hoặc gián tiếp. Khi được làm như vậy, người dân mới hiểu vì sao nộp thuế không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của mình, giống các khẩu hiệu cổ động giăng trên đường phố.

Bạn thậm chí sẽ không thể bắt con mình nhịn ăn hai bát phở mỗi tháng, nếu không thể tìm được một cách giải thích hợp tình.

Nguyễn Khắc Giang

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

Most Popular

Recent Comments