Monday, December 23, 2024
spot_img
HomeCà phê tản mạnHồ Quốc Tuấn: Bất bình đẳng về thu nhập, cơ hội giáo...

Hồ Quốc Tuấn: Bất bình đẳng về thu nhập, cơ hội giáo dục và đổi đời: Xã hội sẽ bất an!

Trong tuần đầu tháng 12-2018, một tin giáo dục được chú ý nhiều ở Anh là một nghiên cứu của quỹ phi lợi nhuận Sutton Trust cho thấy hai trường đại học hàng đầu nước Anh là Oxford và Cambridge, thường được gọi chung là Oxbridge, tuyển hơn phân nửa số sinh viên chủ yếu từ tám trường (hầu hết là trường tư lấy học phí cao và thu nhận sinh viên gia đình danh giá và giàu có). Số liệu của Sutton Trust cho thấy trong ba năm qua, Oxbridge nhận 1.310 học sinh của tám trường này vào học cấp cử nhân đại học, trong khi họ chỉ nhận 1.220 học sinh từ 2.900 trường khác trong cả nước Anh.

Đại học hàng đầu và việc làm tốt chỉ dành cho con nhà giàu?

Hiện tượng nói trên không có gì lạ trong giới khoa bảng ở Anh. Nếu mở rộng nghiên cứu này ra tốp 10-15 các đại học hàng đầu trên các bảng xếp hạng được các công ty tuyển dụng bình chọn, có lẽ kết quả rất có khả năng là chỉ chừng vài chục trường tư của nước Anh sẽ chiếm một tỷ lệ áp đảo trong số sinh viên được vào các trường trong tốp 10-15 trường hàng đầu này. Và đã có vài báo cáo trong năm 2017 cho thấy rằng tỷ lệ số học sinh trường tư nhận được lợi thế đáng kể trong việc được nhận vào những trường xếp hạng cao.

Một nghiên cứu công bố năm 2016 cho thấy số học sinh học trường tư chiếm đa số trong những người sau này ra làm các nghề danh giá và kiếm ra tiền như luật, bác sĩ, chính trị gia. Có nhiều con số rất đáng giật mình chẳng hạn như 61% số bác sĩ hàng đầu, 74% số thẩm phán các tòa cấp cao là đến từ trường tư. Trường tư ở Anh nghiễm nhiên là dành cho con nhà giàu vì đóng tiền cao hơn rất nhiều lần so với trường công, mà không phải cứ có tiền là được vào trường tư.

Điều này không lạ bởi vì các trường tư có lợi thế rõ ràng hơn trường công trong việc tiếp cận với thông tin tuyển sinh, trong việc mời đại diện các trường đại học tới nói chuyện, mở lớp dạy hè ngắn hạn để cung cấp thông tin về ngành học, điều kiện tuyển sinh, và những điểm mà hội đồng tuyển dụng quan tâm.

Về mặt nguyên tắc, nhiều thông tin này đều có trên các trang web của trường, nhưng nếu bạn lên một trang web một trường đại học ở Anh, bạn sẽ lạc lối giữa một “rừng” thông tin về ngành học, học bổng… và các thông tin đó nhiều khi cũng không hoàn toàn rõ ràng, các bạn học sinh trung học không biết các tiêu chí cụ thể là gì.

Đơn giản là vì họ có được cơ hội nộp hồ sơ vào các chương trình thực tập ở các tổ chức phi lợi nhuận danh tiếng, thậm chí là những công ty lớn hay tổ chức chính phủ mà hầu hết những người bình thường không biết đến thông tin. Còn học sinh học ở trường công sẽ không được chỉ cách làm sao tìm tài trợ cho các dự án phục vụ cộng đồng của mình một cách hiệu quả.

Những thông tin đăng công khai trên trang web và báo ở góc chả ai tìm tới đọc, còn người bình thường chẳng bao giờ vào trang web của một tổ chức phi lợi nhuận danh giá để tìm hiểu thông tin tuyển dụng thực tập sinh trước khi vào đại học cả. Không phải vì các tổ chức đó muốn che giấu gì, nhưng họ quá bận rộn để cố gắng quảng bá những chương trình đó. Thông thường nhân viên các tổ chức đó sẽ chuyển thông tin đó cho người quen và mạng lưới quan hệ là cái mà các trường tư, nơi người giàu có và thành đạt cho con đi học, sẽ có nhiều hơn các trường khác.

Nói chung, bất bình đẳng về thu nhập sẽ dẫn đến bất bình đẳng về cơ hội giáo dục và từ đó cũng sẽ dẫn đến bất bình đẳng về cơ hội trong cuộc sống.

Từ bất bình đẳng thu nhập dẫn tới bất bình đẳng về cơ hội đổi đời

Có một khái niệm để đo lường sự bất cân xứng về cơ hội đổi đời là khái niệm dịch chuyển xã hội (social mobility). Nói nôm na là làm sao một người ở địa vị xã hội thấp hơn có thể di chuyển lên địa vị xã hội cao hơn.

Ở Việt Nam, trong nghiên cứu mà Oxfam Việt Nam thực hiện “Dịch chuyển xã hội và bình đẳng cơ hội tại Việt Nam: Xu hướng và các yếu tố tác động”, trong giai đoạn 2004-2008, 45% hộ thuộc nhóm nghèo nhất của năm 2004 đã vươn lên các nhóm cao hơn sau bốn năm. Nhưng trong giai đoạn 2010-2014, tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 37%. Điều này nghĩa là dịch chuyển xã hội ở Việt Nam, cụ thể ở đây là dịch chuyển thu nhập, không có sự cải thiện đáng kể, thậm chí đang tụt lại.

Báo cáo của Oxfam chỉ ra rằng yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến khả năng dịch chuyển thu nhập là học vấn: hộ gia đình mà chủ hộ có học vấn cao hơn có xác suất dịch chuyển lên về thu nhập cao hơn. Tuy nhiên báo cáo này cũng chỉ ra rằng vẫn còn khoảng cách lớn về tiếp cận giáo dục ở các bậc học trung học phổ thông và cao đẳng – đại học giữa người nghèo với người khá giả, giữa người Kinh và với người dân tộc thiểu số.

Như vậy, chìa khóa của “đổi đời”, của giáo dục vẫn là cái mà người nghèo khó với tới.

Hệ lụy của bất bình đẳng về cơ hội giáo dục và đổi đời: xã hội bất an

Hệ lụy của bất bình đẳng về cơ hội giáo dục và đổi đời là người ta khó có thể di chuyển lên các bậc thang xã hội cao hơn. Dần dần, sự khác biệt, thậm chí là thù ghét lẫn nhau, giữa các nhóm thu nhập sẽ tăng lên – nhất là khi có nhiều gia đình làm giàu không chính đáng.

Biểu tình và bạo loạn ở Paris được cho là đang vén một bức màn cho thế giới thấy về những người nghèo ở Paris. Nhưng những người đi du lịch nhiều nước sẽ nhận ra sự đối lập này từ lâu. Bạn sẽ bắt gặp người ăn xin, vô gia cư ở khắp những thành phố nổi tiếng như Paris, London, Sydney, Hồng Kông, New York… Họ không chỉ vài người như trước đây mà mật độ ngày càng dày. Chúng ta trở nên vô cảm với một sự thật là giữa những thành phố có thu nhập bình quân đầu người hàng đầu thế giới, rất nhiều người không có mái che đầu và không có tiền ăn cơm. Giữa những người nghèo sống trong những khu nhà không an toàn ở London như trong vụ hỏa hoạn Grenfell năm ngoái là những người giàu mua nhà chục triệu bảng Anh gần một ngôi trường để con có thêm vài phần trăm cơ hội được nhận vào trường tư xịn.

Tờ Guardian giật tít “Giàu có và nghèo đói nằm sát cạnh nhau ở khu Grenfell Tower” sau khi hỏa hoạn Grenfell xảy ra. Trong khi tòa nhà Grenfell năm trong tốp 10% khu vực nghèo khó nhất nước Anh theo thống kê dân số năm 2015, nằm sát ngay đó là khu Kensington và Chelsea, khu giàu có của nước Anh. Nó giống như sự giáp ranh của khu nhà cao cấp với khu nhà ổ chuột vậy. Và sự đan xen đó là khó tránh khỏi ở những đô thị lớn.

Vậy nếu người ta muốn đẩy những người nghèo ra khỏi khu sang chảnh? Nó chỉ làm cho sự bất an trong xã hội thêm sâu sắc. Và hãy coi chừng những cuộc phản đối và bạo động kiểu Paris. Nguy hại hơn, ở châu Âu và Mỹ, người ta còn phản ứng lại một cách tiêu cực hơn với lá phiếu tin vào những chính trị gia “hứa lèo”, “mị dân” hứa rằng sẽ mang lại những chương trình an sinh xã hội, giáo dục công bằng hơn, mang về việc làm cho họ trong khi tiền ngân sách cạn kiệt và nợ công cao chót vót.

Khi tiền lương hưu và phúc lợi xã hội bị các chính trị gia như vậy đẩy lên những mức không thể duy trì trong dài hạn, khi chính phủ buộc phải cắt giảm chúng, hoặc khi người ta nhận ra những người đó thất hứa, bất ổn xã hội tất nhiên sẽ xảy ra.

Khi người dân vỡ mộng với hy vọng đổi đời, lựa chọn của họ có thể rất tiêu cực, có tính hủy hoại như cướp bóc, đập phá. Bất bình đẳng sẽ làm xã hội bất an, lý lẽ chính là ở đó. Cho nên chi tiêu ngân sách khôn ngoan với những sáng kiến giảm bất bình đẳng xã hội hiệu quả sẽ quyết định sự an bình của một quốc gia trong bối cảnh dân số già đi và bất bình đẳng giàu nghèo ngày càng cao trên toàn cầu. 

Hồ Quốc Tuấn – Thời báo Kinh tế Sài Gòn 12/2018

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

Most Popular

Recent Comments