“Thế giới hiện tại của chúng ta đang tạo ra nhiều nỗi sợ hãi đối với phần lớn công dân của nó, khi nhiều nguồn lực ổn định trước đây đối với bản sắc và an ninh đang bị mất đi. Nơi nào diễn ra thay đổi nhanh nhất thì nơi đó sự phân cực về phân bổ thu nhập diễn ra mạnh nhất. Thế giới đang ở vào kỷ nguyên hỗn loạn. Sẽ là bất cẩn và vô đạo đức nếu chỉ nhằm giảm thiểu thiệt hại của con người trong sự đổ vỡ…. ” – Alan Greenspan
Gần 20 năm trước, Alan Greenspan – cựu Chủ tịch cục dự trữ liên bang Mỹ (1987-2006), đã đưa ra dự báo của mình về “kỷ nguyên hỗn loạn” khi nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ.
Nhìn những gì đang xảy ra trên đất Mỹ, nhiều người hẳn đồng tình với quan điểm của Greenspan. Chúng ta đang trải qua một thời kỳ hỗn loạn với đầy những biến cố rủi ro. Nước Mỹ – cường quốc số 1, đất nước vốn vẫn cho mình là ưu việt và vượt trội với “phần còn lại” của thế giới, nay lại đang loay hoay để giải quyết những vấn đề nội tại của mình.
Cái chết của George Floyd (ngay sau vụ ba người đàn ông ở bang Georgia bị bắt vì truy đuổi và giết chết một người da màu gây chấn động nước Mỹ), nói cho cùng cũng chỉ là cái cớ để xung đột và bạo lực bùng phát. Nói như thống đốc bang Minnesota thì tình trạng bạo lực hiện nay “chẳng liên quan tý nào” đến việc Floyd này bị giết.
Covid-19 đẩy nước Mỹ rơi vào vòng xoáy suy giảm kinh tế, từ đó gia tăng tình trạng thất nghiệp, bạo lực và phân biệt chủng tộc. Những vấn đề nội tại vốn đã tồn tại ở Mỹ từ rất lâu nhưng nay càng trở nên thêm trầm trọng hơn do dịch bệnh.
Những điều tồi tệ đang diễn ra, đáng tiếc có thể chỉ là mới bắt đầu. Nước Mỹ dường như sẽ phải đối đầu với mùa hè tồi tệ: thất nghiệp hàng loạt, đại dịch gây bất bình đẳng về kinh tế và y tế, bạo lực liên quan đến cảnh sát, phe cực hữu thúc đẩy một cuộc “nội chiến thứ hai” ở nước Mỹ và hơn thế là một vị tổng thống luôn muốn “gây chia rẽ” bằng việc đổ thêm dầu vào lửa.
Trong bối cảnh này, Alan Greenspan cho rằng con người sẽ phải đứng trước hai lựa chọn lớn lao: Tiếp tục các lợi ích của thế giới bằng áp dụng thị trường và xã hội mở để kéo con người khỏi nghèo đói, xây dựng các kỹ năng để cuộc sống tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn trong khi vẫn chú trọng đến vấn đề cơ bản là công bằng. Hoặc là, chấp nhập chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bộ lạc, chủ nghĩa “dân túy”,… ở đó các cộng đồng co lại khi bản sắc của họ bị đe dọa và không thể có lựa chọn tốt hơn.
Thế giới đang đứng trước những chọn lựa và thách thức. Tuy nhiên, giống như lời cựu tổng thống Obama đã từng nói: “Những nguyên tắc của thị trường mở, dân chủ, nhân quyền và luật pháp quốc tế,… sẽ vẫn là nền tảng cho sự phát triển của nhân loại trong thế kỷ này. Lịch sử sẽ kiểm chứng cho những giá trị của chủ nghĩa tự do mang lại”.
Share