Theo Investopedia – Trong bài viết này, bạn đọc những kiến thức cơ bản về biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Những nhà đầu tư nên có hiểu biết về khái niệm này vì tính toán biên lợi nhuận chính là một phương pháp hiệu quả để họ có thể nhìn nhận được khả năng tạo ra và giữ tiền của một công ty.
Phải thừa nhận rằng, mục tiêu quan trọng nhất của một doanh nghiệp chính là là kiếm ra tiền và giữ được tiền, mà điều này lại tùy thuộc vào tính thanh khoản và hiệu suất hoạt động của công ty đó. Những đặc điểm này quyết định khả năng chỉ trả cổ tức của công ty nên khả năng sinh lời được phản ánh trong giá cổ phiếu. Chính vì vậy, nhà đầu tư nên biết cách phân tích các khía cạnh khác nhau của khả năng sinh lời, bao gồm hiệu suất sử dụng các nguồn lực và mức độ tạo ra thu nhập từ hoạt động kinh doanh. Việc tính toán biên lợi nhuận là một cách tuyệt vời để có được cái nhìn sâu sắc về khả năng tạo ra và giữ tiền của một công ty.
TẠI SAO CẦN XEM XÉT TỶ SỐ BIÊN LỢI NHUẬN?
Thu nhập ròng là điều đầu tiên mà nhiều nhà đầu tư nhìn vào để đánh giá khả năng sinh lời của một công ty. Còn gì tuyệt vời hơn việc chúng ta có thể đánh giá lợi nhuận mà chỉ cần dựa vào con số này. Tuy nhiên, không phải lúc nào thu nhập ròng cũng cung cấp một cái nhìn rõ ràng về công ty, và chỉ dựa vào nó thôi thì thật là một sai lầm tai hại.
Trái lại, tỷ số biên lợi nhuận có thể cung cấp cho nhà đầu tư cái nhìn sâu hơn về hiệu suất quản lý. Tuy nhiên, thay vì đo lường giá trị mà người quản lý kiếm được từ tài sản, vốn cổ phần hoặc vốn đầu tư, các chỉ số này đo lường số tiền một công ty kiếm được từ tổng doanh thu hoặc tổng doanh số.
Hiểu một cách đơn giản, tỷ số biên lợi nhuận là thu nhập được thể hiện dưới dạng tỷ lệ hoặc phần trăm của doanh số bán hàng. Tỷ lệ phần trăm cho phép nhà đầu tư so sánh khả năng sinh lời của các công ty khác nhau. Trong khi đó thu nhập ròng lại là giá trị tuyệt đối nên không thể so sánh.
Ví dụ, giả sử rằng Công ty A có thu nhập ròng hàng năm là 749 triệu USD với doanh số bán hàng khoảng 11,5 tỷ USD vào năm ngoái. Đối thủ cạnh tranh chính của nó, Công ty B có thu nhập ròng khoảng 990 triệu USD với doanh số bán hàng đạt khoảng 19,9 tỷ USD. Rõ ràng công ty B kiếm được nhiều tiền hơn công ty A, nhưng so sánh này không cho bạn biết nhiều về khả năng sinh lời. Nếu bạn nhìn vào biên lợi nhuận thuần, hoặc số tiền kiếm được từ mỗi đô la doanh số bán hàng, bạn sẽ thấy rằng công ty A thu được 6,5 cent trên mỗi đô la doanh số còn công ty B thu được ít hơn, chỉ có 5 cent.
Có ba loại tỷ số biên lợi nhuận: hệ số biên lợi nhuận gộp, hệ số biên lợi nhuận hoạt động và hệ số biên lợi nhuận ròng.
1. BIÊN LỢI NHUẬN GỘP (GROSS PROFIT MARGIN)
Biên lợi nhuận gộp cho chúng ta biết lợi nhuận một công ty thu được từ chi phí bán hàng, hay giá vốn hàng bán. Nói cách khác, nó cho thấy hiệu suất sử dụng lao động và vật tư trong quá trình sản xuất.
Biên lợi nhuận gộp = (Doanh thu – Giá vốn hàng bán)/Doanh thu
Giả sử một công ty có 1 triệu USD doanh thu và tổng chi phí lao động và nguyên vật liệu là 600.000 USD. Biên lợi nhuận gộp của công ty sẽ là 40% (=$1.000.000 – $600.000/$1.000.000).
Các công ty có biên lợi nhuận gộp cao sẽ có dư rất nhiều tiền để chi cho các hoạt động kinh doanh khác, chẳng hạn như nghiên cứu và phát triển, tiếp thị, vì vậy hãy coi chừng sự đi xuống trong hệ số biên lợi nhuận gộp qua thời gian. Đây là dấu hiệu của các vấn đề mà công ty sẽ phải đối mặt trong tươg lai. Khi chi phí lao động và nguyên vật liệu tăng nhanh, chúng sẽ giảm biên lợi nhuận gộp, tất nhiên trừ khi công ty có thể đẩy các chi phí này cho khách hàng bằng cách nâng giá bán.
Điều quan trọng cần nhớ là biên lợi nhuận gộp có thể dao động đáng kể giữa các doanh nghiệp và ngành khác nhau. Ví dụ, ngành hàng không có biên lợi nhuận gộp khoảng 5%, trong khi ngành phần mềm có biên lợi nhuận gộp khoảng 90%.
2. BIÊN LỢI NHUẬN HOẠT ĐỘNG (OPERATING PROFIT MARGIN)
Bằng cách so sánh thu nhập trước lãi vay và thuế (EBIT) với doanh thu bán hàng, biên lợi nhuận hoạt động cho thấy mức độ thành công trong quản lý trong việc tạo ra thu nhập từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp:
Biên lợi nhuận hoạt động = EBIT/Doanh thu
Nếu EBIT đạt 200.000 USD và doanh số bán hàng bằng 1 triệu USD thì biên lợi nhuận hoạt động sẽ là 20%.
Tỷ số này là một đánh giá gần đúng cho mức đòn bẩy hoạt động mà một công ty có thể đạt được trong hoạt động kinh doanh của mình. Nó chỉ ra giá trị EBIT được tạo ra bởi mỗi đô la doanh số bán hàng. Lợi nhuận hoạt động cao đồng nghĩa với việc công ty kiểm soát chi phí hiệu quả, hoặc doanh số bán đang gia tăng nhanh hơn so với chi phí hoạt động.
Lợi nhuận hoạt động cũng giúp các nhà đầu tư so sánh biên lợi nhuận giữa các công ty không công bố cụ thể chi phí vốn hàng bán riêng (số liệu cần thiết để làm phân tích biên lợi nhuận gộp). Lợi nhuận hoạt động đo lường giá trị tiền tạo ra bởi hoạt động kinh doanh, và một số người coi đây là thước đo lợi nhuận đáng tin cậy hơn vì không giống như với thu nhập ròng, rất khó để thổi phồng con số này bằng các thủ thuật kế toán.
Đương nhiên, vì biên lợi nhuận hoạt động không chỉ tính đến chi phí nguyên vật liệu và lao động, mà còn cả chi phí quản lý và bán hàng nên nó có giá trị nhỏ hơn nhiều so với biên lợi nhuận gộp.
3. BIÊN LỢI NHUẬN RÒNG (NET PROFIT MARGIN)
Biên lợi nhuận ròng là những lợi nhuận tạo ra từ tất cả các giai đoạn kinh doanh, bao gồm thuế. Nói cách khác, tỷ lệ này so sánh thu nhập ròng với doanh số bán hàng. Nó là con số tổng hợp thể hiện sát sườn nhất hiệu quả quản lý doanh nghiệp:
Biên lợi nhuận ròng = Lợi nhuận ròng sau thuế/Doanh thu
Nếu một công ty tạo ra thu nhập sau thuế là 100.000 USD trên 1 triệu USD doanh số bán hàng thì biên lợi nhuận ròng của nó đạt 10%.
Để có thể so sánh giữa các công ty và từ năm này sang năm khác, lợi nhuận ròng sau thuế phải được lấy trước khi đi trừ lợi ích của cổ đông thiểu số và cộng với thu nhập từ vốn cổ phần. Không phải tất cả các công ty đều có các khoản mục này. Ngoài ra, thu nhập từ đầu tư, thứ hoàn toàn phụ thuộc vào chủ quan của nhà quản lý, có thể thay đổi đáng kể từ năm này sang năm khác.
Ngoài ra, giống như biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận hoạt động, biên lợi nhuận ròng của mỗi ngành sẽ khác nhau. Bằng cách so sánh biên lợi nhuận gộp và biên lơi nhuận ròng, chúng ta có thể hiểu về chi phí phi sản xuất và chi phí gián tiếp như chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp và tiếp thị.
Ví dụ, ngành hàng không quốc tế có biên lợi nhuận gộp là 5%. Biên lợi nhuận ròng của nó chỉ thấp hơn một chút, ở mức khoảng 4%. Trái lại, các công ty hàng không giá rẻ có biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng cao hơn rất nhiều. Sự khác biệt này minh họa cho sự khác biệt trong cấu trúc chi phí của từng ngành: so với ngành hàng không quốc tế lớn, ngành hàng không giá rẻ dành nhiều chi phí những hoạt động như quản lý doanh nghiệp, tài chính và tiếp thị, và chi ít hơn cho các yếu tố như nhiên liệu và lương phi hành đoàn.
Trong kinh doanh phần mềm, biên lợi nhuận gộp rất cao, trong khi biên lợi nhuận ròng lại thấp hơn đáng kể. Điều này cho thấy rằng chi phí tiếp thị và quản lý trong ngành này là rất cao, còn chi phí bán hàng và chi phí hoạt động là tương đối thấp.
Một công ty có tỷ số biên lợi nhuận cao thường nghĩa là nó có một hoặc nhiều lợi thế cạnh tranh so với đối thủ cùng ngành. Các công ty có biên lợi nhuận ròng cao có lớp đệm lớn hơn để tự bảo vệ mình trong những thời điểm khó khăn. Các công ty có biên lợi nhuận thấp có nguy cơ bị xóa sổ trong thời kỳ suy thoái. Và các công ty với biên lợi nhuận phản ánh lợi thế cạnh tranh có thể nâng cao thị phần của mình trong những lúc khó khăn, thậm chí đạt được vị thế tốt hơn khi nền kinh tế phục hồi.
LỜI KẾT
Phân tích biên lợi nhuận là một cách tuyệt vời để hiểu khả năng sinh lời của các công ty. Nó cho chúng ta biết hiệu quả trong việc tạo ra lợi nhuận từ doanh thu, và khả năng chịu đựng của công ty trong cuộc suy thoái, cũng như khi cạnh tranh hay mắc phạm sai lầm. Tuy nhiên, giống như tất cả các tỷ số khác, tỷ số biên lợi nhuận không phải là hoàn hảo. Chúng chỉ hiệu quả khi được tính từ các số liệu cập nhật và chính xác, và việc phân tích chúng cũng phụ thuộc vào ngành và chu kỳ kinh doanh của công ty.
Hãy nhớ rằng, tỷ số biên lợi nhuận nhấn mạnh vai trò của việc phân tích và đánh giá sâu. Cứ cho là chúng ta biết rằng một công ty có biên lợi nhuận gộp 25% hoặc biên lợi nhuận ròng 5% thì vẫn là quá mơ hồ. Một hệ số biên lợi nhuận có thể cho chúng ta biết rất nhiều, nhưng không phải là toàn bộ câu chuyện về triển vọng của một công ty.
NGUỒN: SAGA.VN