Việc đánh giá thu nhập của một khoản đầu tư mà không tính đến mức độ rủi ro sẽ đem lại cái nhìn kém sâu sắc về cách hoạt động thực sự của chứng khoán hay danh mục đầu tư. Mỗi loại chứng khoán đều đòi hỏi tỷ suất lợi suất khác nhau, được xác định dựa trên mô hình định giá tài sản vốn (CAPM). Chỉ số Jensen, hay Alpha, hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc xác định mức chênh lệch giữa lợi nhuận thực có với lợi nhuận yêu cầu. Bài viết này sẽ đưa ra cái nhìn sâu sắc hơn về Alpha và ứng dụng trong thực tế của nó.
ĐỊNH NGHĨA ALPHA
Chỉ số Jensen, hoặc Alpha, có liên hệ với mô hình định giá tài sản vốn (CAPM). Phương trình CAPM được sử dụng để xác định tỷ lệ lợi nhuận cần thiết của một khoản đầu tư, và nó thường được sử dụng để đánh giá hiệu quả thực tế của một danh mục đầu tư đã được đa dạng hóa. Thứ nhất, mô hình được hình thành với giả định rằng đây là một danh mục đầu tư đã được đa dạng hóa một cách tối đa (có nghĩa là rủi ro phi hệ thống đã được loại bỏ). Thứ hai vì nguồn rủi ro chính của danh mục đầu tư đa dạng xuất phát từ rủi ro thị trường (rủi ro hệ thống) nên beta sẽ là một thước đo rủi ro phù hợp. Được xác định bởi mô hình CAPM, Alpha được sử dụng để xác định mức chênh lệch giữa lợi nhuận thực có với lợi nhuận cần thiết. Alpha được tính theo công thức sau:
α = Rp – [Rf + (Rm – Rf) ß]
Trong đó:
Rp = Tỷ suất lợi nhuận thực tế (Realized return of portfolio )
Rm = Tỷ suất lợi nhuận của thị trường (Market return)
Rf = Tỷ suất lợi nhuận phi rủi ro (Risk-free rate)
VẬY ALPHA ĐO LƯỜNG CÁI GÌ?
Chỉ số Jensen định lượng phần bù rủi ro vốn dựa trên beta (β), do đó, người ta giả định rằng danh mục đầu tư đang đánh giá đã được đa dạng hóa tốt. Để tính chỉ số Jensen, bạn phải dùng tỷ suất lợi nhuận phi rủi ro riêng cho từng thời điểm. Ví dụ, khi đánh giá hiệu quả công việc của các nhà quản lý quỹ theo từng năm trong khoảng thời gian 5 năm, thì bạn phải lấy tỷ suất lợi nhuận mỗi năm trừ đi tỷ suất của tài sản phi lợi nhuận (như trái phiếu kho bạc, hoặc tài sản phi rủi ro với kỳ hạn 1 năm) của chính năm ấy, và so sánh kết quả với hiệu của tỷ suất thu nhập thị trường hàng năm với cùng tỷ suất phi rủi ro.
Phương pháp tính toán này trái ngược với cả hai cách tính Treynor và Sharpe, trong đó cả hai đều xét đến lợi nhuận trung bình trong cả khoảng thời gian và được áp dụng cho tất cả các biến, bao gồm các danh mục đầu tư, thị trường và các tài sản phi rủi ro.
Alpha là một phương pháp đo lường hiệu suất tốt để so sánh mức lợi nhuận thực với mức lợi nhuận cần thiết cho mức rủi ro mà nhà đầu tư phải đối mặt. Về mặt kỹ thuật, nó là một yếu tố tạo ra hiệu suất phân kỳ từ chỉ số beta của danh mục đầu tư, đại diện cho phương pháp đánh giá chất lượng của quản lý quỹ. Ví dụ, khi các nhà đầu tư muốn đánh giá sự thành công hay thất bại của quỹ tương hỗ thì họ không nên chỉ tập trung vào lợi nhuận thực tế mà cần xét xem lợi nhuận này có tương xứng với mức rủi ro mà quỹ đang phải chịu.
ÁP DỤNG CÁC KẾT QUẢ
Alpha dương có nghĩa là các nhà quản lý danh mục đầu tư thực hiện tốt hơn so với dự kiến dựa trên rủi ro của vốn được đo bằng beta của quỹ. Alpha âm có nghĩa là hoạt động của quỹ đang có vấn đề và người quản lý quỹ cần phải tạo ra một tỷ lệ lợi nhuận cao hơn để đạt mức lợi nhuận cần thiết của danh mục đầu tư. Kết quả của phép hồi quy thường kéo dài từ 36 đến 60 tháng.
Ngoài ra, chỉ số Jensen cũng là một phép đối chiếu tương đối về hiệu suất giữa các nhà quản lý danh mục đầu tư với nhau, hoặc với chính thị trường. Khi sử dụng Alpha, điều quan trọng là so sánh các quỹ cùng loại tài sản. So sánh hai quỹ với hai nhóm tài sản khác nhau là bất hợp lý, giống như bạn so sánh giữa táo và cam vậy.
Biểu đồ dưới đây là một ví dụ so sánh điển hình của alpha, hoặc gọi là “lợi nhuận dư ra”. Nhà đầu tư có thể sử dụng cả alpha và beta để đánh giá hiệu quả hoạt động của một nhà quản lý quỹ.
Tên quỹ | Loại tài sản | Mã | Alpha
3 Năm |
Beta
3 Năm |
Tổng lợi nhuận theo năm
3 Năm |
Tổng lợi nhuận theo năm
5 Năm |
American Funds Growth Fund A | Tăng trưởng mạnh | AGTHX | 4.00 | 0.99 | 12.47 | 13.93 |
Fidelity Large Cap Growth | Tăng trưởng mạnh | FSLGX | -4.34 | 1.26 | 4.38 | 8.45 |
T. Rowe Price Growth Stock | Tăng trưởng mạnh | PRGFX | 1.39 | 1.17 | 10.28 | 11.22 |
Vanguard Growth Index | Tăng trưởng mạnh | VIGRX | 0.82 | 1.06 | 9.28 | 9.41 |
Dữ liệu trong hình trên chỉ ra rằng trên cơ sở điều chỉnh theo rủi ro, thì quỹ Growth Fund của Mỹ có kết quả tốt nhất so với các quỹ được nêu trên. Với chỉ số Alpha của ba năm bằng 4, nó đã vượt xa các quỹ tương đương trong ví dụ này.
Một điểm nữa cần đặc biệt lưu ý là ngoài việc so sánh giữa các tài sản cùng loại, thì cũng nên có các tiêu chí chuẩn phù hợp. Tiêu chuẩn thường được sử dụng để đo lường thị trường là chỉ số chứng khoán S&P 500, chỉ số này được coi là đại diện cho “thị trường”. Tuy nhiên, một số danh mục đầu tư và các quỹ tương hỗ bao gồm các loại tài sản có đặc điểm không phù hợp để so sánh tương ứng với chỉ số S&P 500, chẳng hạn như các quỹ trái phiếu, quỹ đầu tư khu vực, bất động sản, v.v. Trong những trường hợp kể trên, chỉ số S&P 500 không phải là tiêu chuẩn thích hợp để sử dụng; do đó, khi tính toán Alpha bạn cũng nên chú ý đến các tiêu chuẩn tương đối cho loại tài sản đó.
KẾT LUẬN
Hiệu quả của danh mục đầu tư liên quan tới cả lợi nhuận và rủi ro. Chỉ số Jensen, hoặc Alpha, cung cấp cho chúng ta một tiêu chuẩn hợp lý để đánh giá hoạt động quản lý quỹ. Kết quả của Alpha có thể giúp ta xác định liệu người quản lý có đang giúp quỹ này tăng trưởng hoặc thậm chí kiếm thêm được những khoản lãi vượt ngoài mức lợi nhuận cần thiết hay không. Không chỉ vậy, chỉ số này cũng giúp ta quyết định liệu mức phí quản lý đã phù hợp với kết quả kinh doanh hay chưa. Việc mua (hoặc thậm chí nắm giữ) một quỹ đầu tư mà không cân nhắc đến yếu tố này sẽ giống như mua một chiếc xe chỉ để đi lại mà không quan tâm đến hiệu suất nhiên liệu của nó.